Đỉnh núi này được xem như huyệt đạo, là nơi hội tụ giao hòa giữa trời và đất. Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp nước ta, đây là nơi tụ phúc cho con người gắn với ước vọng ngầm trong tâm tưởng của người dân. Chính vì nơi này thiêng nên người ta đã lập ban thờ thần linh, trời đất, tạo đàn tròn nhằm mục đích là tế trời
Núi Nưa là dãy núi lớn nhất đồng bằng Thanh Hóa, Huyệt đạo này là nơi cao nhất của dãy Ngàn Nưa (538m so với mực nước biển)2. Người xưa cho rằng đỉnh núi là nơi cao gần trời, đặc biệt là những núi đơn côi hay là hệ thống núi đơn lẻ nổi lên giữa đồng bằng, nó như một trục vũ trụ nối trời và đất, để đem sinh lực của trời cha trao vào lòng đất mẹ của vùng đồng bằng cho cây trồng phát triển, muôn loài sinh sôi, hạnh phúc đến với mọi người.
Đỉnh núi này được xem như huyệt đạo, là nơi hội tụ giao hòa giữa trời và đất. Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp nước ta, đây là nơi tụ phúc cho con người gắn với ước vọng ngầm trong tâm tưởng của người dân. Chính vì nơi này thiêng nên người ta đã lập ban thờ thần linh, trời đất, tạo đàn tròn nhằm mục đích là tế trời.
Bàn thờ đặt hướng tây, bởi đây là nơi huyệt vị - vị trí của huyệt có sự giao thoa của trời đất, tôn trọng các vị thần linh, mong cầu thần linh luôn có mặt để hỗ trợ con người. Hướng tây là hướng âm, mặt thần là dương. Ở đây đồ thờ hoàn toàn bằng chất liệu đá và ngay cả con đường đi xung quanh huyệt đạo cũng được người dân xếp bằng đá tự nhiên làm thành đàn tế trời, nơi có huyệt thông thiên linh thiêng.
Gần tâm huyệt đạo, đặt lư hương đại có ba chân, một chân trước, hai chân sau là biểu tượng của chí nhân quân tử, cột thiền trượng theo kiểu ở Thiền môn Huế, ở đế có viết chữ Phú Quý Khang Ninh.
Cây thiền trượng, nếu đủ phải có bốn khuyên xung quanh, phía trên là biểu tượng của Tứ khổ đế, mỗi một khuyên ấy có ba khuyên nhỏ để khi hội tụ lại thành mười hai cái huyệt thì mới tạo thành “thập nhị nhân duyên”.
Huyệt đạo hay còn gọi là huyệt vị (vị trí có huyệt thông thiên), nơi gần với trời, là điểm giao hòa hội tụ giữa trời và đất, năng lượng lớn, có nhiều linh khí cho nên nó thiêng, nơi “đất khí tụ, đại cát, đại phúc”. Sống ở gần nơi khí tụ con người trở nên hài hòa, may mắn, đa lộc3.
Huyệt đạo Am Tiên, núi Nưa, nơi trời đất giao hòa tạo nguồn năng lượng tràn đầy sinh khí, giờ đây đang là điểm đến tham quan và cầu phúc của du khách thập phương./.
Lê Văn Sơn
CCVH –XH thị trấn Nưa
Ghi chú:
1. Lê Văn Sơn. Tập 10, “Hương sắc Ngàn Nưa”, của câu lạc bộ thơ Na Sơn, Sđd trang 242, NXB Thanh Hóa, XB tháng 12/2022.
2. Trần Quốc Chấn: “Những thắng tích Xứ Thanh”, phần viết “Núi Nưa”,Sđd trang 192. QĐ xuất bản số 414/QĐ, Thanh Hóa ngày 23/11/1017.
3. Khám phá ngũ đại thuật số Trung Hoa, NXB Lao động XB năm 2011.